1. Xét nghiệm máu lắng là gì?
Xét nghiệm máu lắng ESR (Erythrocyte Sedimentation Rate) lần đầu tiên được công bố là vào năm 1897 bởi một bác sĩ người Ba Lan tên Edmund Faustyn Biernacki. Đây là xét nghiệm nhằm đo lường tốc độ máu lắng hay tốc độ lắng hồng cầu.
Để thực hiện được xét nghiệm này, thông thường sẽ phải sử dụng phương pháp Pachenkop, cụ thể là sử dụng ống Pachenkop mao dẫn máu toàn phần đã được pha loãng cùng dung dịch citrat 3% với tỷ lệ 4:1 (máu lắng: dung dịch citrat 3%). Sau đó, dựng ống nghiệm thẳng đứng trên giá sau 1 - 2 giờ thì đọc kết quả.
Xét nghiệm máu lắng giúp đo tốc độ lắng của hồng cầu
Khi đó, chiều cao cột huyết tương còn lại trong ống nghiệm được biểu thị dưới dạng mm sẽ thể hiện tốc lắng của hồng cầu bởi nó còn phụ thuộc vào 2 yếu tố chính là số lượng hồng cầu cũng như nồng độ các protein trọng lượng phân tử cao trong máu. Các protein trong máu này khi thay đổi sẽ dẫn tới tình trạng hồng cầu kết tụ. Dựa vào tốc độ lắng của hồng cầu có thể xác định được tình trạng viêm và hoại tử trong cơ thể người bệnh.
Một số bệnh lý có thể được phát hiện và theo dõi từ kết quả xét nghiệm này như viêm nhiễm, sốt cấp thấp, nhồi máu cơ tim hay một số bệnh truyền nhiễm như HIV, viêm gan B, viêm gan C,... ở giai đoạn đầu.
Đây không phải là xét nghiệm đặc hiệu dành cho bệnh lý nào nên không thể xác định được vị trí hay nguyên nhân gây bệnh mà chỉ có thể phát hiện được sự tồn tại của hiện tượng viêm nhiễm. Do đó, thường xét nghiệm này có thể được chỉ định tiến hành cùng một số loại xét nghiệm khác để có kết luận chẩn đoán bệnh chính xác hơn.
2. Xét nghiệm máu lắng để làm gì?
Thực chất, xét nghiệm này có thể coi là một trong những xét nghiệm thường quy mang tính tầm soát. Xét nghiệm này là cần thiết trong việc phát hiện và theo dõi quá trình hoại tử trong cơ thể hay tình trạng rối loạn bệnh lý như gân, cơ gân, khớp, dây chằng,...
Bên cạnh việc phát hiện các loại bệnh như kể trên thì thực hiện xét nghiệm máu lắng thường được bác sĩ chỉ định tiến hành để theo dõi tình trạng viêm nhiễm hoặc tình trạng phát triển của một số căn bệnh ác tính thông qua việc đo lường tốc độ máu lắng của người bệnh.
Xét nghiệm máu lắng có thể phát hiện tình trạng rối loạn dây chằng
3. Quy trình thực hiện xét nghiệm máu lắng
Xét nghiệm này sử dụng mẫu máu lấy từ tĩnh mạch trên tay người bệnh. Quy trình thực hiện lấy mẫu xét nghiệm được tiến hành tuần tự, cụ thể như sau:
- Sát trùng vị trí lấy máu với cồn y tế.
- Sử dụng miếng dây garo buộc xung quanh cánh tay để giúp duy trì áp lực, đồng thời hạn chế lượng máu lưu thông qua tĩnh mạch để vị trí tĩnh mạch lấy máu sẽ căng phồng lên do máu bị ứ lại. Từ đó giúp việc đâm kim vào tĩnh mạch để lấy máu dễ dàng hơn.
- Sử dụng chiếc kim y tế nhỏ đâm vào vị trí tĩnh mạch đã xác định ban đầu và rút từ từ để máu chảy ra một lượng vừa đủ.
- Sau đó gỡ dây garo để tuần hoàn máu trở lại bình thường.
- Khi đã lấy đủ lượng máu cần thiết thì rút kim và dán miếng bông hoặc miếng băng cá nhân để cầm máu.
- Mẫu máu cuối cùng thu được được bảo quản trong một xilanh hoặc trong lọ thủy tinh chân không đã được sát trùng.
Mẫu máu của người bệnh được đựng trong ống có chứa chất chống đông để ngăn chặn sự hình thành của các cục máu đông. Ống nghiệm sau đó được dựng thẳng đứng trên giá trong vòng 1 - 2 giờ để các hồng cầu lắng xuống.
Nhân viên y tế sẽ đo chiều cao phần phía trên ống là huyết tương màu vàng trong để tính ra được tốc độ máu lắng (mm/hr).
4. Kết quả xét nghiệm máu lắng như thế nào được coi là bình thường?
Thông thường, tốc độ máu lắng ở nữ thường cao hơn nam và sẽ tăng dần theo lứa tuổi.
Người bệnh có thể tham khảo các giá trị bình thường của xét nghiệm như dưới đây:
Đối với người lớn:
- Nam giới < 50 tuổi: ESR < 15 mm/hr.
- Nữ giới < 50 tuổi: ESR < 20mm/hr.
- Nam giới > 50 tuổi: ESR < 20 mm/hr.
- Nữ giới > 50 tuổi: ESR < 30mm/hr.
Đối với trẻ nhỏ và trẻ sơ sinh:
- Trẻ sơ sinh (từ 1 - 3 tuổi): 0 - 2 mm/hr.
- Trẻ nhỏ (từ 3 tuổi trở lên): 3 - 13 mm/hr.