Trong cấu tạo của máy sấy thăng hoa có một hệ thống quan trọng gọi là hệ thống bơm hút chân không. Khi quá trình làm đông lạnh sản phẩm và cấp lạnh sâu cho buồng ngưng hoàn thành thì hệ thống bơm hút chân không hoạt động với mục đích rút không khí ra khỏi buồng sấy và khi nào áp suất đạt mức < 50Pa thì khi đó quá trình thăng hoa của nước đá trong sản phẩm mới hiệu quả. Hệ thống hút chân không sẽ làm việc liên tục trong quá trình sấy khô sản phẩm. 

                       14-BƠM HÚT CHÂN KHÔNG 

Về cơ bản, áp suất buồng sấy sau khi bơm chân không đã hút khoảng 1 tiếng sẽ phải nhỏ hơn 50 Pa, nếu lớn hơn 50Pa trong khoảng 1 đến 3 tiếng đầu của giai đoạn sấy ( sau khi bơm hút ) thì cần phải thay dầu cho bơm. 

Hiện nay, trên thị trường bơm chân không có 2 loại chính là: Bơm vòng nước và bơm vòng dầu.

- Bơm vòng nước là nước trong bộ phận hút của bơm, áp suất đạt được ở mức 1000-5000Pa.

+ Về ưu điểm: Không cần thay nước hay dầu thường xuyên, giá thành rẻ

+ Về nhược điểm: Kích thước lớn và áp suất hút không sâu

- Bơm chân không vòng dầu: Phù hợp cho sấy thăng hoa 

+ Về ưu điểm: Nhỏ gọn hơn, áp suất hút rất sâu, có thể đạt mức 1-10Pa

+ Về nhược điểm: Giá thành cao, cần thường xuyên thay dầu. 

Như vậy, Bơm chân không vòng dầu được ứng dụng trong hệ thống bơm hút chân không của máy sấy thăng hoa.

( Bản vẽ chi tiết bơm chân không vòng dầu - Tham khảo ) 

THAY DẦU CHO BƠM CHÂN KHÔNG TRONG MÁY SẤY THĂNG HOA CẦN PHẢI LÀM ĐỊNH KỲ SAU 5-7 LẦN SẤY LIÊN TỤC. VÀ THỜI ĐIỂM CẦN THAY DẦU SẼ ĐƯỢC QUYẾT ĐỊNH BỞI THÔNG SỐ ÁP SUẤT HIỂN THỊ TRÊN BỘ ĐIỀU KHIỂN CỦA MÁY SẤY THĂNG HOA .

Vậy, vì sao cần phải thay dầu bơm chân không ?

Đó là khi áp suất không còn đủ thấp đúng yêu cầu. Mà dầu trong bơm có tác dụng bôi trơn và bịt kín kết cấu hút chân không, cho nên dầu phải có độ nhớt phù hợp, nếu dầu bị loãng thì áp suất hút không đạt đủ sâu. 

Vậy nguyên nhân nào khiến cho dầu bị loãng ? 

Do một phần hơi nước thoát ra từ sản phẩm sẽ bị hút qua bơm chân không, dần dần dầu sẽ lẫn với nước làm tăng độ loãng và giảm độ nhớt dẫn đến áp suất hút giảm đi. Nếu trên bảng điều khiển hiển thị thông số áp suất  AP không nhỏ hơn 50Pa sau khi bơm đã chạy liên tục 1 đến 3 tiếng. Lúc đó chúng ta cần phải thay dầu cho bơm.

( Thông số áp suất  Ap > 50 Pa : Cần phải thay dầu cho bơm chân không ) 

( Thông số áp suất Ap < 50 Pa: Thể hiện ở mức bình thường, phù hợp để sấy và không cần phải thay dầu ) 

Ngoài cách dựa vào giá trị áp suất  AP thì còn 1 cách khác đó là kiểm tra mực dầu tại mắt thăm dầu trên bơm. Thông thường khi thay dầu, dầu sẽ được đổ đến giữa mắt thăm dầu. Nhưng sau một thời gian sấy sản phẩm, lượng nước lẫn vào dầu khiến cho mực dầu lên cao hơn so với bình thường, nếu vượt quá mức cao cho phép thì chúng ta cũng phải thay dầu cho bơm.

Làm cách nào để thay dầu cho bơm ?

- Trường hợp máy đang chạy: Chúng ta không cần tắt máy mà chỉ cần rút dây nguồn của bơm rồi tiến hành thay dầu. Thay dầu xong thì cắm lại dây nguồn của bơm. Đối với loại máy sấy lớn, dây nguồn của bơm nằm trong thân máy nên chúng ta sẽ tắt 1 Aptomat trên hộp điều khiển, khi tắt Aptomat hệ thống sẽ ngừng hoạt động nhưng chương trình sấy vẫn đang tiếp tục, sau khi thay dầu xong thì chúng ta bật lại Aptomat thì hệ thống sẽ chạy lại như thường. 

- Các bước thực hiện thay dầu cho bơm như sau: 

Sau khi bơm dừng chạy -> Mở nắp đổ dầu phía trên của bơm-> Hứng khay đựng dầu ở phía dưới của nắp xả dầu -> Mở ốc xả dầu -> Chờ dầu cũ chảy ra hết -> Đổ vào bơm 1 lượng dầu mới ( ~ 100ml ) để loại bỏ hết dầu cũ -> Vặn chặt lại ốc xả dầu -> Sau đó, đổ dầu mới vào bơm bằng cách đổ vào cửa đổ dầu phía trên cho đến khi mực dầu nằm ở giữa mắt thăm dầu. 

Như vậy, phía trên chính là thông tin cơ bản về cách thay dầu bơm chân không và khi nào cần phải thay dầu bơm chân không cho máy sấy thăng hoa. 

Để biết thêm thông tin chi tiết, quý khách hàng vui lòng liên hệ: 

CÔNG TY TNHH THƯƠNG MẠI DỊCH VỤ KỸ THUẬT THIÊN HẢI

Hotline : 0909 837 737  - 098 5314 549

Web: Thienhai.vn                 kholanhthienhai.com

Email: thietbilanhthienhai@gmail.com